Trước năm 1993, cơ quan Thi hành án dân sự chỉ là một bộ phận nhỏ trong hệ thống Tòa án nhân dân. Từ sau tháng 6/1993, cơ quan Thi hành án dân sự tách khỏi Tòa án nhân dân giao về Bộ Tư pháp quản lý. Ngày nay, Tổng cục thi hành án dân sự phát triển thành một hệ thống hoạt động độc lập theo ngành dọc, trực thuộc Bộ Tư pháp và có các Cục thi hành án dân sự tại 63 tỉnh thành trên cả nước, tại mỗi đơn vị cấp huyện đều có Chi cục thi hành án dân sự.

Chức năng chính của cơ quan Thi hành án dân sự là thi hành bản án/quyết định có hiệu lực của Tòa án nhân dân (riêng đối với vụ án hình sự, thì thi hành phần dân sự trong bản án hình sự). Với chức năng của mình, cơ quan thi hành án có quyền phong tỏa, kê biên, cưỡng chế tài sản để thi hành bản án có hiệu lực của Tòa.

Để xác định giá tài sản thi hành án, nếu các bên không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận giá bán không hợp lý, cơ quan Thi hành án dân sự có quyền yêu cầu tổ chức thẩm định giá thực hiện việc định giá tài sản theo quy định pháp luật.

Để thi hành phần nghĩa vụ tài sản trong bản án của Tòa, trường hợp các bên không thỏa thuận được việc thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự có quyền bán đấu giá tài sản thi hành án tại các Tổ chức bán đấu giá.

Trên thực tế, đương sự được xử “thắng” trong một vụ án dân sự hoàn toàn không phải là “thắng” luôn. Còn phải xem bản án có hiệu lực của Tòa có thể thi hành hay không. Kinh nghiệm giải quyết của chúng tôi cho thấy, có rất nhiều vụ án dân sự, đương sự được tuyên thắng án tuy nhiên trên thực tế chỉ “thắng trên giấy” vì bản án không thi hành được, đa số vì đương sự không còn tài sản tại thời điểm yêu cầu thi hành án, mà cũng đa số nữa, những tài sản này được “tẩu tán” ngay trước khi khởi kiện tại Tòa, thậm chí ngay trong quá trình Tòa thụ lý giải quyết vụ án. Kẽ hở này làm bức xúc dư luận bao nhiêu năm nay, tuy nhiên đến giờ hệ thống luật dân sự vẫn chưa điều chỉnh được, vì nó còn vướng quy định của nhiều luật khác liên quan.

Chưa nói, ngay cả khi đương sự thua kiện còn tài sản và cơ quan Thi hành án dân sự tiến hành xác minh, ngăn chặn, cưỡng chế, kê biên thì mọi việc cũng … chưa xong. Vì tài sản thông thường lại thế chấp tại ngân hàng hay được bán giấy tay cho nhiều người hay liên quan đến sở hữu chung, hộ gia đình, thừa kế … khi phát sinh các vấn đề này, nếu các bên không thỏa thuận được, cơ quan Thi hành án dân sự phải tạm hoãn thi hành án và hướng dẫn các bên khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để xác định phần tài sản hợp pháp của đương sự bị yêu cầu thi hành án. Cứ thế, vụ án lại sinh ra thêm vụ án và không biết bao giờ đương sự mới nhận được quyền lợi hợp pháp của mình.

Ngay trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản và tài sản đã được kê biên, cưỡng chế thi hành án và tài sản không có tranh chấp thì đến phần thẩm định giá tài sản, nếu như một trong các bên hoặc cả hai bên không đồng ý với kết quả định giá của Tổ chức thẩm định giá, lại phát sinh việc định giá lại cũng hao tiền, tốn của và thời gian không ít. Còn trong giai đoạn này chỉ cần có quyết định xem xét đơn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án của người có thẩm quyền, thì việc hoãn thi hành án là bắt buộc.

Sau khi các bên thống nhất hoặc chấp nhận giá tài sản thì lại đến giai đoạn cơ quan Thi hành án dân sự ký hợp đồng bán đấu giá với Tổ chức bán đấu giá. Đấu giá thì “chân gỗ, chân sắt” thì nhiều còn “chân thật” thì ít, đủ mọi vấn đề trong đó. Chưa nói Luật bán đấu giá tài sản cũng phóng khoáng quy định cho luôn việc giảm giá 3 lần đầu, mỗi lần 10% giá trị tài sản, sau ba lần nếu các bên không thống nhất giao tài sản bán đấu giá để cấn trừ nợ, thì lại giảm giá bán tiếp cho đến khi giá bằng số nợ thì thôi v.v. và vv…

Sau khi bán đấu giá xong rồi, nếu bên đang quản lý tài sản không chịu giao tài sản bán đấu giá cho bên mua, lại phát sinh thủ tục cưỡng chế giao tài sản, mà cưỡng chế giao tài sản thì chẳng mấy khi một lần xong được, chưa nói việc cơ quan Thi hành án dân sự mỗi lần cưỡng chế lại phải huy động các lực lượng khác hỗ trợ, cũng phải theo trình tự nhất định và sắp xếp thời điểm để thuận tiện cho sự có mặt của các lực lượng hỗ trợ.

Trên đây là một số vấn đề “nhức nhối” trong quá trình thi hành án, thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra tất cả các vấn đề trên, nhưng trong các vụ án lớn, tài sản nhiều nơi, tranh chấp sở hữu lung tung thì vướng một hoặc một vài tình huống như nêu trên đã trở nên rất phổ biến.

Nếu bạn có vấn đề rắc rối về thi hành bản án/quyết định có hiệu lực của Tòa án, hãy liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi tự tin có thể hỗ trợ hiệu quả và kịp thời nhất trong mọi giai đoạn thi hành án.

GỌI CHÚNG TÔI +84 902 905 292

Chúng tôi tự tin có đầy đủ khả năng đáp ứng mọi yêu cầu tư vấn của khách hàng
và chứng minh sự lựa chọn của khách hàng dành cho Chúng tôi là lựa chọn phù hợp nhất.